MÁY ĐỌC SÁCH KINDLE KOBO GIÁ RẺ NỘI ĐỊA NHẬT MỸ

MÁY ĐỌC SÁCH KINDLE KOBO GIÁ RẺ NỘI ĐỊA NHẬT MỸ

MÁY ĐỌC SÁCH KINDLE KOBO GIÁ RẺ NỘI ĐỊA NHẬT MỸ

  • xblue06: Máy rất mới. Shop tư vấn tốt và nhiệt tình. Chuẩn bị mua thêm 1 cái ppw5.

  • hoavu22: Chất lượng sản phẩm:Tốt Mình mua lần thứ 2 rồi, chất lượng sp rất OK. Lần này shop tặng bao da cũng rất Ok nhen. Mình sẽ ủng shop lần sau.

  • yingyangy: hệ hệ máy xịn, nhìn mới toanh, bao da cũng còn đẹp. Test thử okie. Mình đòi hỏi tùm lum mà sốp vẫn thoải mái đáp ứng yêu cầu. Vô cùng hài lòng ạ.

  • xblue06: Máy như mới, còn có cả hộp. Mình check thì còn bảo hành tới tháng 1/2024. Máy thứ 2 mua tại sốp rồi, nên mua nha mọi người.

  • phngthanhl512: Hơi nhỏ so với tưởng tượng nhưng khá là ok shop tư vấn nhiệt tình nhé lúc đầu dùng còn hơi bỡ ngỡ nhưng shop giải thích cho hiểu nha

Chuyên mục review sách - Hiểu về trái tim

Hiểu Về Trái Tim - tác phẩm được đông đảo bạn đọc yêu thích và “gối đầu giường”. Tinh thần của quyển sách đã thực sự đi vào tâm hồn và có khả năng chuyển hóa đời sống của những ai đã từng tiếp xúc với nó. Hy vọng tinh thần này sẽ tiếp tục soi sáng và nâng đỡ những con tim còn khổ đau hay lạc hướng vì chưa tìm thấy đường đi đúng đắn trong cuộc đời.

Xuyên suốt 500 trang sách là những quan điểm của tác giả về khổ đau, thất bại, lười biếng, hạnh phúc, tình yêu…. qua đó giúp bạn đọc hiểu rõ và chữa lành trái tim, tâm hồn của mình và của những người xung quanh, để mọi người cùng được sống trong hạnh phúc và yêu thương

Cách đây mười tám năm, tôi đã quyết lòng ra đi tìm hạnh phúc chân thật. Dù thời điểm ấy, ý niệm về hạnh phúc chân thật trong tôi còn rất mơ hồ, nhưng tôi vẫn tin rằng nó có thật và luôn hiện hữu trong thực tại. Đến mười năm sau tôi mới tìm thấy được con đường. Rồi mãi đến bây giờ tôi mới tự tin đặt bút xuống ghi lại những gì mình đã khám phá và trải nghiệm để chia sẻ với mọi người.

Tại sao chúng ta lại khổ đau ?

Bản thân của sự cực nhọc chưa chắc là khổ, mà vì ta kháng cự lại nó, muốn mình không phải vất vả mà vẫn có đầy đủ mọi thứ tiện nghi như bao người khác nên mới khổ. Có những người chỉ cần người thân của họ qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, dù người thân ấy không thể tiếp tục lao động nữa, thì họ vẫn vui lòng đem hết thân mạng của mình ra để bảo bọc. Có những người làm công tác cứu hộ, họ biết lao vào lửa hay chui xuống lòng đất đều nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng vì tình thương mà họ không hề xem đó là nỗi khổ. Có người lại cho rằng cái cực tâm trí khổ, vì phải suy tính đủ điều mới gánh vác nổi công việc. Nhưng thật ra có công việc để làm, để suy tính, thì đã là điều hạnh phúc lắm rồi. Cho nên cực có trở thành khổ hay không là tùy vào thái độ của mỗi chúng ta.

Cuộc sống luôn có những điều hợp với ý ta nhưng lại mâu thuẫn với suy nghĩ của người khác, hay thỏa mãn nhu cầu của người khác nhưng trái nghịch với sở thích của ta. Ngay chính bản thân chúng ta, có những lúc sớm nắng chiều mưa, mình còn không hiểu nổi mình, thì làm sao hoàn cảnh có thể hiểu được ta đây? Có những điều trước kia ta ghét cay ghét đắng những bây giờ lại rất yêu thích; cũng có những thứ trước kia ta say mê nhưng bây giờ ngẫm lại không chút cảm xúc gì nữa. Giả sử mọi mong muốn của ta đều thành tựu hết thì thử hỏi ta sẽ trở thành cái gì và cuộc đời này sẽ ra sao? Vậy mà chúng ta chỉ biết đòi hỏi, chứ không chịu thử suy nghĩ một chút xem nó có thật sự đúng đắn và phù hợp với khả năng của bản thân hay không. Rõ ràng điều làm ta khổ chưa chắc đã làm kẻ khác khổ. Chính vì vậy, hầu hết những nỗi khổ mà chúng ta thường than vãn chỉ là sự bất như ý mà thôi. “Nó bất như ý với tôi quá!” - cách gọi này chính xác hơn. Nó sẽ giúp ta nhìn lại thói quen hay cách phản ứng của mình, thay vì cứ rượt đuổi theo người khác để đổ lỗi và trừng phạt. Khi đó, ta sẽ nhận ra quan niệm “đời là bể khổ” chỉ là do cách mình nghĩ, hay chỉ là định kiến mà thôi.

Có thể nói tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận khổ đau như thế ấy. Vì khổ đau vốn từ tâm sinh ra, mà cũng từ tâm diệt đi.

          Nếu không có khổ đau
          Biết đâu là hạnh phúc
          Nhờ mộng mị hôm nào
          Ta tìm về tỉnh thức.


Liệu bạn có dám chịu khổ để yêu ?

Trong “Bài Thơ Tuổi Nhỏ”, Xuân Diệu đã nói rằng:

“Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ, không thương một kẻ nào”

Sống mà không yêu thương thì sự sống liệu có còn ý nghĩa? Nếu sợ khổ mà không dám yêu thì bạn có chắc là mình sẽ sống hạnh phúc hơn không? Đời sống còn nhiều thứ khác khiến ta khổ chứ đâu chỉ có mỗi tình yêu. Xung quanh ta có biết bao nhiêu người dám “chịu khổ” để yêu thì tại sao ta phải sợ? Tình yêu có thật sự đáng sợ như định nghĩa của nhiều người không?

Bản năng của con người là yêu thương và được yêu thương. Nếu ta yêu quê hương, yêu những con đường ta đi hằng ngày thì đâu có khổ. Nhưng vì đối tượng yêu thương của ta quá hấp dẫn, có thể làm ta ngày nhớ đêm mong, mất ăn mất ngủ, khiến ta bất chấp để sở hữu được nó. Rồi đến khi cảm xúc yêu đương bùng vỡ thì ta không tự chủ được nữa, mọi nhận thức đều vượt tầm kiểm soát, cứ lầm lũi lao tới phía trước như kẻ mộng du, không ý thức được mình đang đi đâu dù sắp bước vào hầm hố chông gai. Tất cả những thứ đó, chúng ta hay gọi nó là “Fall in love”, nghĩa là bị cuốn vào tình yêu, mà cũng có thể hiểu là đang bị té ngã trong tình yêu.

Trong liên hệ tình cảm lứa đôi, nếu tình yêu lấn át đi tình thương thì tình cảm ấy cũng giống như lửa rơm - bạo phát bạo tàn; nếu tình thương lấn át đi tình yêu thì tình cảm ấy như lửa than - mãi âm ỉ cháy. Có thể khởi điểm là vì tiếng sét ái tình, nhưng nếu ta biết nhận diện và buông bỏ bớt những đòi hỏi không cần thiết, hết lòng quan tâm đến cuộc đời của người mình thương, thấu hiểu những khó khăn hay ước vọng của họ mà tận tình giúp đỡ thì ta sẽ có được tình yêu chân thật.

Khi yêu ta thường chỉ để ý tới sự ham thích nhau, quấn quít bên nhau không rời nửa bước. Đến khi một bên không đáp ứng được sự thỏa mãn, thì nhàm chán và phản bội nhau là điều tất yếu xảy ra. Kỳ thực, ta chẳng bao giờ trao nửa linh hồn cho ai đâu, chỉ vì một nửa đời sống của ta đã lỡ phụ thuộc vào cảm xúc của đối phương, nên họ đi rồi ta chẳng còn chỗ bám. Dẫn đến cơn nghiện đang hành hạ ta đó thôi.

Tình yêu có thật hay không là tùy thuộc vào sức mạnh và dung lượng trái tim của mỗi người. Bí quyết là ta phải luôn tỉnh táo để nhận ra mình và hiểu được người mình thường

          Yêu như yêu lần đầu
          Xin nâng đỡ đời nhau
          Bằng con tim hiểu biết
          Lo sợ gì thương đau

Chúng ta - những người luôn sợ thất bại

Vì sao chúng ta lại sợ thất bại? Có lẽ là do thất bại có thể làm cho ta hao tổn tài sản, năng lực, niềm tin và cả hy vọng nữa. Ta phải thu dọn bao nhiêu thứ tàn dư sau cuộc thất bại, rồi phải tìm cách ứng phó để giữ gìn sĩ diện, và còn lo nghĩ đến thảm cảnh đáng thương của ta trong tương lai. Chính những thái độ ấy đã biến sự thất bại thành nỗi khổ niềm đau, nhấn cuộc đời ta chìm xuống.

Một người vừa mất việc thì kiếm ngay việc khác để làm. Một người vừa bị phụ tình thì mau chóng tìm đối tượng khác để được thương yêu. Nhưng phần lớn những gì ta đã cố bám víu trong khi đang trải qua cảm xúc thất bại đều là sự nhầm lẫn đáng tiếc. Sự thật là ta chỉ đang tìm cách xoa dịu vết thương hoặc khẳng định giá trị của mình, chứ ta chưa có sự đầu tư nghiêm túc và đúng đắn để nắm chắc thành công. Bi kịch luôn luôn xảy ra trong những lần cảm xúc bùng vỡ như thế, bởi những lựa chọn ấy không hề có sự soi sáng của lý trí.

Chữ “thất bại” thường dễ khiến con người ta hiểu lầm là không được gì cả hay không còn gì cả. Trong khi những gì ta đã tạo dựng vẫn còn đó, dù có khi nó chưa biểu hiện ra một cách cụ thể. Những kỹ năng tập luyện, những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy, cũng như yếu tố thuận lợi bên ngoài mà ta đã cất công gom lại sẽ được sử dụng một cách xứng đáng trong những công trình kế tiếp.

“Thất bại là mẹ của thành công” - không có sự thành công vững bền nào mà không được làm ra từ những thất bại nho nhỏ ban đầu. Vì vậy, từ bây giờ ta nên tập gọi là “chưa thành công” thay vì gọi là thất bại. Thua keo này ta vẫn có thể bày keo khác. Bởi không bao giờ có sự tuyệt đối giữa các trước và cái sau.

Nếu bạn cảm thấy mình vẫn chưa đủ vững vàng thì đừng vội cầu mong thành công. Các bậc tài trí hay từ khước những điều kiện thuận lợi mà tìm tới những hoàn cảnh khắc nghiệt để phát huy hết năng lực tiềm ẩn. Họ xem nhẹ những thành công chỉ mang lại cảm giác thỏa mãn tầm thường, để chọn cái to tát hơn là chiến thắng những bóng tối phiền não trong chính họ. Đó mới chính là thành công đích thực.

Đừng quên rằng, sự thất bại bên ngoài dù lớn lao đến đâu cũng chỉ là một phần của cuộc sống. Nó không thể làm phương hại tới những giá trị mầu nhiệm mà ta đang nắm giữ trong tầm tay

          Thành bại đã bao lần
          Tuổi xuân trôi lần nữa
          Nụ cười trên môi chờ
          Bao giờ cho nhau nữa?

Bạn vẫn tiếp tục lười biếng để sống cuộc đời nhàm chán mãi sao ?

Bản năng tự của con người luôn thích hưởng thụ. Nhưng bản chất của sự hưởng thụ chỉ là sự thỏa mãn cảm xúc nhất thời chứ không thể mang lại giá trị hạnh phúc chân thật. Không phải ai cũng nhận ra được sự thật này để cố gắng thuần phục bản năng hưởng thụ, và không phải ai cũng đủ bản lĩnh để chiến thắng được chính mình.

Lười biếng là thói quen không muốn tách mình ra khỏi cảm xúc tốt cạn cợt để vươn tới những cảm xúc tốt khác khắc sâu hơn. Cũng như con mèo thích cuộn tròn mãi trong bếp tro hay chiếc khăn ấm, dù rất đói nhưng nó lại thấy tiếc khi phải rời xa cảm giác dễ chịu ấy để đón nhận cảm giác khó chịu là phải đứng dậy kiếm ăn. Những người mang tật lười biếng làm ít nhưng lại muốn hưởng nhiều, thích dựa vào sự giúp đỡ của kẻ khác hay cầu vận may mà không chịu nỗ lực. Họ luôn tìm lý do, hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Họ chỉ thích ăn, thích ngủ, thích những trò tiêu khiển giải trí. Tức là họ chỉ thích làm những việc thuộc về năng khiếu có sẵn hơn là do rèn luyện, hoặc nó không đòi hỏi phải vận động tay chân hay đào sâu suy nghĩ. Và đương nhiên rồi, những việc khác dù rất quan trọng đến đâu chăng nữa thì nước có đến chân họ mới chịu nhảy.

Có thể nói lấy một người lười biếng cũng tệ như là mua nhầm chiếc xe hơi đời cũ. Tuy ngốn nhiều xăng, nhưng chạy được một quãng đường thì nó lại nằm ỳ ra đó. Phải tu bổ liên tục thì nó mới chịu chạy tiếp, nhưng rồi cũng chẳng hơn lần trước được bao xa. Nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ cũng vì là sự thiếu cố gắng của một bên. Nếu bên kia gây ra lầm lỗi hay xuống cấp mà bên này ra sức nâng đỡ thì họ vẫn có thể đồng hành cùng nhau. Còn nếu bên này đã hết lòng nâng đỡ mà bên kia không chịu cố gắng sửa đổi thì cũng đành chịu thất bại mà thôi.

Ta thường hay nói, “cần cù bù thông minh”. Sự thật, đức tính chuyên cần quan trọng hơn cả sự thông minh. Nó được hình thành từ sự đào luyện, vượt qua chính bản thân mình, nên nó là thứ bảo bối giúp ta san bằng mọi trở lực và gầy dựng nên sự nghiệp vững vàng. Trong khi sự thông minh thuộc về bẩm sinh, không cần khổ luyện mà vẫn thành công và hơn người, nên thường ỷ lại chứ không chịu học hỏi hay mài giũa thêm. Chính sự chủ quan và lười biếng ấy là mồ chôn của biết bao tài năng. Họ tuy có “ngọc” bên trong nhưng lại không sử dụng được.

Muốn sửa được tính lười biếng, ta phải có một quyết tâm cao độ tách mình ra khỏi những cảm xúc tốt không cần thiết và tập đối diện với cảm xúc xấu cần thiết. Để không bị thất bại mãi với chính mình, ta nên cố gắng sống chung với gia đình hay những người vững chãi và năng động. Nhờ vào kỷ luật nghiêm khắc, không khí sinh động, sự động viên nhắc nhở thường xuyên hay nhìn vào tấm gương vượt khó của họ, ta sẽ không có điều kiện để dung dưỡng thói lười biếng. Nói chung, ta cần làm mới nếp sống sinh hoạt trong môi trường mới để kéo ta ra khỏi “mê cung” hấp dẫn của sự lười biếng. Phải hòa mình vào sinh hoạt tươi tắn và lành mạnh của tập thể thì ta mới chiến thắng được nó.

Lười biếng không phải là phiền não lớn có thể trói buộc ta vào khổ đau, nhưng nó lại là trở lực rất đáng sợ, khiến ta không thể vươn tới những ước mơ hay thậm chí không thể sống sâu sắc với thực tại. Lười biếng còn là năng lực châm ngòi cho nguồn cảm xúc bùng vỡ và dìm ta vào cơn mê bất ngờ. Do đó, nỗ lực vượt qua được tật lười biếng để lúc nào cũng hăng hái đi tới là ta đã chính thức bước vào vương quốc của sự thành công.

          Giật mình nhìn lối cũ
          Chưa ra khỏi rừng mê
          Ôi nghìn trùng xa cách
          Vì bước chân nặng nề

Lời kết

Cuốn sách Hiểu Về Trái Tim có thể chữa lành những vết thương trong tâm hồn bạn, ngay cả khi bạn mở lòng ra đón nhận nó. Nếu bạn có đức tin nơi những hiểu biết trong cuốn sách này, thì nó đã quá đủ để làm hành trang cho công trình khám phá hạnh phúc chân thật của bạn rồi. Đặc biệt trong bối cảnh cái xấu đang dần lấn át cái tốt như hiện nay, nó là tác nhân rất cần thiết để khơi dậy những giá trị tinh thần đang ngủ quên trong mỗi chúng ta.